TP HCMVKS giữ nguyên quan điểm xác định số tiền chiếm đoạt và tội danh đối với bà Trương Mỹ Lan như bản án sơ thẩm, tiếp tục đề nghị HĐXX tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản.
TP HCMVKS giữ nguyên quan điểm xác định số tiền chiếm đoạt và tội danh đối với bà Trương Mỹ Lan như bản án sơ thẩm, tiếp tục đề nghị HĐXX tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản.
Với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát", bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân bằng việc mua, sở hữu phần lớn số lượng cổ phần rồi thao túng.
Từ tháng 12-2011, bằng hình thức nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, bà Lan nắm giữ hơn 81% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), hơn 98% cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và hơn 80% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đệ Nhất.
Sau khi ba ngân hàng trên hợp nhất thành SCB, bà Lan tiếp tục nhờ người đứng tên hơn 85% cổ phần của nhà băng này. Chủ tịch Vạn Thịnh Phát tiếp tục mua và nhờ người đứng tên để tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần tại SCB lên hơn 91% vào ngày 1-1-2018.
Với việc sở hữu, nằm quyền chi phối số cổ phần của SCB, bà Trương Mỹ Lan đã đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân tin tưởng, thân tín đều là những người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng vào các vị trí chủ chốt của nhà băng này. Họ đều nghe theo chỉ đạo của bà Lan và được trả mức lương cao từ 200-500 triệu đồng/tháng.
Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua nhóm lãnh đạo chủ chốt tại SCB, bà Trương Mỹ Lan sử dụng nhà băng này như "một công cụ tài chính để huy động tiền gửi của người dân và các tổ chức…".
Tuy nhiên trong hoạt động cho vay, SCB lại chủ yếu phục vụ mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan, kết luận nêu.
Kết quả điều tra xác định từ ngày 1-1-2012 đến ngày 7-10-2022, SCB đã cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng, trong đó liên quan trách nhiệm của Trương Mỹ Lan và đồng phạm vay 2.500 khoản với tổng số tiền 1.066.608 tỉ đồng.
Đến ngày 17-10-2022, các khoản vay tại SCB còn dư nợ hơn 677 ngàn tỉ đều thuộc nhóm không có khả năng thu hồi. Trong đó dư nợ gốc các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của hơn 23.000 khoản vay còn dư nợ tại SCB.
Theo kết luận, sau khi thâu tóm SCB, bà Trương Mỹ Lan đã thông qua các cá nhân thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại đây và các cán bộ chủ chốt tại Vạn Thịnh Phát triển khai các hoạt động rút tiền của ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được lập khống. Thậm chí có nhiều khoản vay rút tiền trước hoàn thiện hồ sơ sau.
Mỗi khoản cần rút ra, trong các giai đoạn đều có cách làm khác nhau và được giao cho từng nhóm của Vạn Thịnh Phát để dựng công ty "ma", "vẽ" ra phương án đầu tư tại các dự án, giao cho các bộ phận tính toán tài sản đảm bảo cho phù hợp….
Theo kết luận, Ngân hàng SCB đã huy động tiền gửi từ 50 chi nhánh nhưng chỉ tập trung giải ngân đối với nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại 3 đơn vị hội sở, 3 chi nhánh lớn, nhỏ lẻ ở 6 chi nhánh.
Các hồ sơ cho vay, giải ngân của nhóm Trương Mỹ Lan tại các đơn vị, chi nhánh trên đều có ký hiệu theo dõi riêng như "HSTT", "phương án, dự án" để các nhân viên ngân hàng nhìn vào đều hiểu là cho vay các công ty trong "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát".
Thực hiện hoạt động này, Trương Mỹ Lan đã giao cho các thân tín tại SCB phối hợp cùng các thuộc cấp tại Vạn Thịnh Phát sử dụng các phương án vay vốn khống đã tạo lập để thực hiện giải ngân, chuyển tiền vào các tài khoản của cá nhân, pháp nhân "ma" để thực hiện chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng hoặc cho các cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.
Theo kết luận, thủ đoạn của nhóm Trương Mỹ Lan sử dụng để vay tiền SCB gồm: Tạo lập khách hàng vay vốn khống, thuê hoặc nhờ người đứng tên tài sản; Tạo lập hồ sơ vay khống; Đưa tài sản đảm bảo được định giá trị, để tạo ra một bộ hồ sơ đúng như quy định nhằm che giấu, đối phó với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, thực chất là để "rút ruột" ngân hàng.
Hầu hết các khoản vay của Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được giải ngân trước và thực hiện hợp thức sau, C03 cáo buộc.
Theo quy trình thông thường, ngân hàng chỉ giải ngân khi đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý về thế chấp tài sản đảm bảo, nhưng thực tế đối với 1.284 khoản vay của bà Lan còn dư nợ, chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân, số còn lại tài sản bảo đảm chủ yếu là cổ phần, quyền tài sản.
Kết quả xác minh hồ sơ vay vốn 1.284 khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan còn dư nợ tại SCB thì có 201 khoản vay, hồ sơ vay vốn không có phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Các khoản vay này giải ngân hơn 10.000 tỉ, đến nay tổng dư nợ 11.600 tỉ.
Nhóm của Trương Mỹ Lan còn tạo lập, sử dụng khách hàng vay vốn khống, thuê người đứng tên tài sản đảm bảo để vay 1.200 khoản tại SCB.
Nhóm bà Lan đã thành lập hàng nghìn pháp nhân, thuê hàng nghìn cá nhân làm đại diện pháp luật, đứng tên cổ đông, đứng tên ký hồ sơ vay vốn, đứng tên tài sản bảo đảm để hợp thức rút tiền của Ngân hàng SCB.
Sở dĩ "kho" pháp nhân này càng ngày càng phình to ra vì phải thành lập nhiều pháp nhân, "dựng" nhiều cá nhân mới để đứng tên khoản vay thì khi kiểm tra tín dụng sẽ không có dư nợ tín dụng lớn, kết luận nêu.
Để Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện được hành vi rút tiền, chiếm đoạt tiền từ SCB thông qua thủ đoạn vay còn có sự tiếp tay của các đối tượng tại các công ty thẩm định giá.
Lãnh đạo, nhân viên các công ty này không thực hiện công tác thẩm định nhưng đã phát hành các chứng thư thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của SCB để thông đồng, hợp thức thủ tục vay vốn, nâng khống giá trị.
Trong đó, từ ngày 9-2-2018 đến 7-10-2022, bà Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỉ đồng.
Hành vi trên phạm vào tội tham ô tài sản. Ngoài ra, hành vi này của bà Lan còn gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh hơn 129.000 tỉ đồng.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã chi phối, lũng đoạn và chỉ đạo hoàn toàn hoạt động của SCB, có vai trò là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu để thực hiện hành vi tham ô tài sản với số tiền đặc biệt lớn.
Hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm được thực hiện với lỗi "cố ý trực tiếp", có dự mưu từ trước, được chuẩn bị, tổ chức thực hiện hết sức công phu, tỉ mỉ và có "kịch bản". Các bị can đã thao túng, lũng đoạn, bất chấp các quy định pháp luật để thực hiện phạm tội.
"Đây là tổ chức tội phạm có quy mô rất lớn, hoạt động hết sức manh động nhưng cũng rất tinh vi, xảo quyệt, hậu quả mà tổ chức tội phạm này gây ra là đặc biệt lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng, uy tín của Nhà nước trong quản lý kinh tế", kết luận nêu.
Ngày 3/12/2024, TAND cấp cao tại TP. HCM đã tuyên án phúc thẩm giai đoạn 1 của vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Theo đó, tòa phúc thẩm tuyên giảm cho bà Trương Mỹ Lan từ 20 năm tù xuống 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; giữ nguyên án tử hình về tội “Tham ô tài sản” và 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Tổng hợp hình phạt bà Lan phải nhận mức án tử hình.
HĐXX cho biết qua quá trình xét hỏi và tranh tụng công khai tại tòa, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi liên quan đến vụ án. Lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau và với tài liệu chứng cứ trong hồ sơ, xác định bà Trương Mỹ Lan có nhiều công ty, trong đó Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đóng vai trò trung tâm.
Từ tháng 12/2011, bà Lan nhờ người đứng tên sở hữu phần lớn cổ phần của ba ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) là Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất. Khi 3 ngân hàng này gặp khó khăn và phải hợp nhất thành SCB, bà Lan tiếp tục nhờ người đứng tên sở hữu phần lớn cổ phần và nắm quyền chi phối.
Sau khi thâu tóm SCB để phục vụ cho hoạt động của Vạn Thịnh Phát, bà Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng và cán bộ chủ chốt trong tập đoàn rút tiền dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay khống, nhằm đầu tư vào nhiều dự án bất động sản.
Dù không giữ chức vụ chính thức tại SCB nhưng với việc sở hữu hơn 91% cổ phần, bà Lan vẫn chi phối toàn bộ hoạt động của ngân hàng, trái với quy định của luật tín dụng. HĐXX khẳng định rằng đây là căn cứ xác định bà Lan là chủ thể của tội “Tham ô tài sản”, bác bỏ ý kiến của luật sư cho rằng bà không phải chủ thể của tội này.
HĐXX đánh giá hành vi của bà Lan đặc biệt nghiêm trọng, là người chủ mưu, cầm đầu và phạm 3 tội gồm “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Đưa hối lộ”. Những hành vi này đã tác động tiêu cực đến hoạt động ngân hàng, gây mất an ninh trật tự và làm suy giảm niềm tin của công chúng.
Tại tòa phúc thẩm, mặc dù bị cáo Lan đã có những nỗ lực tích cực trong việc khắc phục hậu quả vụ án, với hơn 600 mã tài sản đã được định giá và một số tài sản khác chưa được định giá, nhưng HĐXX cho rằng bà vẫn chưa khắc phục đủ 3/4 hậu quả của vụ án.
HĐXX cũng ghi nhận sự chuyển biến trong nhận thức và thái độ ăn năn hối cải của bà Lan, cùng với các tình tiết giảm nhẹ khác. Tuy nhiên, xét về tổng thể vụ án, hành vi của bà Lan gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, do đó không có cơ sở để giảm nhẹ hình phạt đối với tội “Tham ô tài sản” và “Đưa hối lộ”. Do đó, tổng hợp hình phạt bà Lan phải nhận mức án tử hình.
Tòa lưu ý rằng nếu bị cáo tích cực khắc phục 3/4 hậu quả vụ án sau khi bản án có hiệu lực, tương đương ít nhất 280.000 tỷ đồng, bà Lan có thể được xem xét chuyển từ án tử hình sang án chung thân.
Luật sư Giang Hồng Thanh cho biết, hiện bà Trương Mỹ Lan đã khắc phục được 323.052 tỷ đồng, tương đương với tỉ lệ hơn 3/4 số thiệt hại mà VKS yêu cầu, chưa tính đến giá trị nhiều tài sản khác. Vì vậy, luật sư mong HĐXX cho bà Lan một con đường sống.